Ở vùng sâu thẳm của Dân Sơn cách thành phố Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc, ẩn tàng 1 cõi “đào nguyên tiên cảnh”: Cửu Tái Câu. Nơi đây lớp lớp núi cuộn trong mây, rừng cây um tùm, những hồ nước long lanh 5 màu và những ngọn thác tung trắng xoá, lại còn có nhiều loại chim, thú, hoa cỏ quý hiếm, cảnh quan như vẽ…

Cửu Tái Câu là khu danh thắng tự nhiên rộng hơn 600km2, nằm trên độ cao từ 2.000 đến 4.000m so với mặt biển, thuộc khí hậu cao nguyên ẩm thấp, đỉnh núi tuyết phủ quanh năm, mùa đông thường dưới 0C. Do nơi đây có 9 thôn của người dân tộc Tạng nên có tên như vậy. 52% diện tích Cửu Tái Câu được bao phủ bởi rừng nguyên sinh dày đặc, trong rừng hoa nở quanh năm, nhiều loài kì hoa dị thảo, có những động vật đặc hữu như gấu trúc, kim ty hầu, nai môi trắng,…

Cảnh quan độc đáo của Cửu Tái Câu đầu tiên phải kể đến 108 cái hồ phân bố trong phạm vi hơn 50km2. Người Tạng gọi hồ là “biển”, truyền thuyết của họ kể rằng vào thời viễn cổ, nữ thần Wunuo được tình nhân tặng cho 1 tấm kính quý, do quá vui nên nữ thần lỡ tay làm rơi tấm kính vỡ thành 108 mảnh, biến thành 108 “biển” nước ngũ sắc này. Thực ra, theo nghiên cứu thì những hồ nước ngũ sắc này có liên quan đến hàm lượng cacbonat canxi trong dòng nước. Vào thời kì Trái Đất còn trong kỉ băng hà cực lạnh, chất cacbonat canxi trong nước ở đây không thể ngưng kết. Cho đến khoảng 12.000 năm trước, khí hậu Trái Đất nóng ấm, chất cacbonat canxi trong nước mới ngưng tụ lại dâng lên, khi gặp chướng ngại vật thì bám lên trên, ngày qua tháng lại kết tụ ngày càng dày, càng nhiều, hình thanhg cảnh quan như hiện nay: những bờ đê do chất vôi kết tủa thành vòng thạch nhũ chứa nước thành hồ. Những hồ này long lanh màu sắc như chốn Dao Trì của Tây Vương Mẫu Trên trời. Nhìn xuyên qua những khóm lá rừng có thể thấy nước trong hồ hiện màu xanh lam, xanh đậm, vàng chanh, hồng phấn,… mỗi khi gió núi thoảng qua, hồ nước lung linh sắc màu, người dân địa phương gọi đó là phấn sáp điểm trang của tiên nữ tụ thành.

Trong thế giới xanh mơ màng được núi non trùng điệp bao quanh, những hồ nước phẳng lặng không vọng chút âm thanh. Nhưng dần đi xuống dưới, những ngọn thác thành hình bắt đầu phá vỡ sự yên tĩnh, tạo cho người ta 1 cảm giác hoàn toàn mới mẻ. Thác ở đây rất lạ, như thác Nặc Nhật Lang xuyên qua khe hở của rừng cây tuôn xuống. Thác rộng hơn tram mét, quanh mép thác là bờ thuỷ liễu lá rủ dày đặc kết thành bức tường màu xanh, phía dưới bức tường ấy là những thân cây đều tăm tắp như chiếc lược khổng lồ, dòng nước ngày đêm “chải” qua không nghỉ…

Thác đẹp nhất ở Cửu Tái Câu là thác Trân Châu, nằm trên những mỏm đá cao vút như chọc trời. Nơi đây có rất nhiều hang động đá hình tròn do nước chảy hàng ngàn năm hình thành, khi dòng nước chảy qua những động đá thì bắn vọt lên, hình thành từng chuỗi, từng lớp hạt nước như quả bóng văng toả trắng xoá, dưới ánh mặt trời trông như những chuỗi trân châu.

Men theo Tra Oa Câu lên đỉnh sẽ gặp 1 hồ nước mênh mông rộng lớn nhất trong các hố ở cửu Tái Câu, được gọi là Trường Hải. Hồ này tựa sát bên Tuyết Sơn ở đôn cao hơn 3.000m, đã bao thế kỉ không có người đến. Mãi đến những năm 70 thế kỉ 20, những công nhân lâm nghiệp mới phát hiện ra. Vào mùa đông, Trường Hải là 1 hồ băng khổng lồ, nhưng đến mùa xuân, hạ, thu, du thuyền ở đây thì thật tuyệt thú. Băng tan thành hồ nước xanh ngắt, bóng nước lồng bóng những cây phong từ Tuyết Sơn soi xuống, cảnh vật tĩnh lặng êm đềm như chốn đào nguyên.

Người ta nói Cửu Tái Câu như mộng như ảo, nhìn nơi đâu cũng toàn cảnh đẹp thiên nhiên. “Đi trong cửu Tái Câu như đi trong bức hoạ”, quả có như thế.